Hiện nay, ngành công nghệ giáo dục (EdTech) đã trở thành ngôi sao sáng với giá trị thị trường vượt mốc 300 tỷ USD, từ đó tạo ra làn sóng đổi mới mạnh mẽ về giáo dục trên toàn cầu. Trong đó, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ là các quốc gia đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp thuộc lĩnh vực này và thu hút lượng lớn các thương vụ đầu tư.
Về tốc độ tăng trưởng kép hàng năm, khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tỷ lệ cao nhất với CAGR dự báo đạt 16.1% giai đoạn 2023-2030 (GrandViewResearch). Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR),… nổi lên như những yếu tố đột phá, thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng tại thị trường EdTech Việt Nam và hứa hẹn nhiều cơ hội dù đồng thời phải đối mặt với thách thức về chất lượng dự án và đầu tư.
- Tổng quan thị trường EdTech toàn cầu:
Với giá trị thị trường vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2022, ngành EdTech được dự đoán đạt 400 tỷ USD vào năm 2023, đồng thời có mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 14% trong giai đoạn từ 2023 đến 2032 (Edtech Agency, 2023). Mặt khác, một số doanh nghiệp EdTech lớn trên thế giới có kết quả doanh thu không mấy khả quan, như Coursera, Kahoot và 2U. (Dealroom, 2022).
Sự suy giảm về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp này đến từ nhiều nguyên nhân. Một số công ty EdTech đang phải đối mặt với việc cắt giảm nhân sự và sụt giảm nguồn vốn sau khi đầu tư quá nhiều vào các hoạt động và sáp nhập không hiệu quả. Thêm vào đó, sự can thiệp của chính phủ và áp lực quản lý cũng đã ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp thuộc ngành này. Mặc dù có những thách thức, EdTech vẫn có tiềm năng tăng trưởng do sự cần thiết của giáo dục trực tuyến và phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động (Crunchbase).
(Nguồn ảnh: Grand View Research)
Về thị phần, khu vực Bắc Mỹ chiếm tỷ lệ doanh thu cao nhất thế giới với hơn 36%. Sự thống trị này đến từ nguồn vốn đầu tư dồi dào bởi các quỹ thuộc lĩnh vực EdTech tại Hoa Kỳ. Về tốc độ tăng trưởng kép hàng năm, khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tỷ lệ cao nhất với CAGR dự báo đạt 16.1% giai đoạn 2023-2030 (GrandViewResearch). Thêm vào đó, theo nhận định của Rory Gopsill, chuyên gia phân tích của GlobalData, “Châu Á – Thái Bình Dương sẽ là thị trường công nghệ giáo dục lớn nhất thế giới vào năm 2030”.
- Tổng quan thị trường Edtech tại Việt Nam:
Lĩnh vực EdTech Việt Nam có quy mô ước tính khoảng 3 tỷ USD vào năm 2023 và tốc độ tăng trưởng thuộc top 10 thị trường nhanh nhất toàn cầu, ước tính khoảng 20,2% mỗi năm (giai đoạn 2019-2023) (VietnamPlus), được thúc đẩy bởi một số yếu tố như tăng trưởng GDP, tỷ lệ thâm nhập mạng internet, chính sách chi tiêu cho giáo dục,…
Mức chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam chiếm tỷ lệ 4,9% GDP, chỉ kém Malaysia 5%, còn lại cao hơn các nước khác trong ASEAN gồm Campuchia 1,9%, Singapore 2,9%, Lào 3,3% (VnExpress). Theo Bain & Company, trung bình một gia đình Việt dành khoảng 20% thu nhập đầu tư cho giáo dục con cái, trong khi mức này ở các nước Đông Nam Á là 6 – 15% (VnEconomy).
Bên cạnh đó, với 77,93 triệu người dùng và tỷ lệ thâm nhập internet ở mức 79,1% cho thấy tiềm năng lớn trong việc áp dụng công nghệ vào lĩnh vực giáo dục ở nước ta. Ngoài ra, tổng chi cho ngân sách đầu tư giáo dục đào tạo năm 2022 của chính phủ khoảng hơn 55.000 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này (tăng tới 49,2% so với năm 2021) (Vietnamnet).
- Một số xu hướng công nghệ nổi bật trong lĩnh vực EdTech
Xu hướng ứng dụng công nghệ trong giáo dục đang nở rộ và sở hữu nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
- Dịch vụ đám mây:
Theo các số liệu trong và ngoài nước, Việt Nam hiện có 39 nhà cung cấp dịch vụ đám mây, 27 trung tâm dữ liệu, các doanh nghiệp Việt chiếm thị phần 19,68%, các doanh nghiệp nước ngoài chiếm tới hơn 80% (CafeF).
Tại các tổ chức giáo dục trực tuyến, việc đảm bảo tính toàn vẹn và hoạt động liên tục của dữ liệu là vấn đề vô cùng quan trọng. Trước tình hình đó, điện toán đám mây được xem là một trong những phương án tốt nhất để giải quyết thách thức này.
- Chat GPT:
Cá nhân hóa đang dần trở thành xu hướng quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, khi giá trị của điều chỉnh việc học theo nhu cầu và sở thích riêng của từng người dần được xem trọng. Trong đó, ChatGPT được xem là công cụ lý tưởng để hỗ trợ việc này qua hoạt động tham gia vào cuộc trò chuyện và cung cấp câu trả lời trong thời gian thực.
FTech – một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo (AI) – đã ra mắt sản phẩm công nghệ giáo dục sử dụng mã nguồn mở của Chat GPT. Theo kế hoạch, FTech sẽ cung cấp trải nghiệm này thông qua trang web FQA.vn, với giao diện tiện lợi và cho phép người dùng sử dụng hoàn toàn miễn phí từ ngày 20.2 đến ngày 20.3.
(Nguồn ảnh: FTech)
- Nhận diện giọng nói:
Công nghệ nhận diện giọng nói đang trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ cho lĩnh vực EdTech tại Việt Nam, thường được sử dụng để cải thiện kỹ năng phát âm. Người học có thể nhận được phản hồi và góp ý trực tiếp từ các nền tảng.
ELSA Speak – ứng dụng luyện nói tiếng Anh của Việt Nam thu hút hơn 4 triệu người dùng từ 100 quốc gia và thuộc top 5 ứng dụng AI hàng đầu thế giới, đã vượt qua hàng nghìn đối thủ toàn cầu để đoạt giải nhất tại cuộc thi SXSWedu Launch. Với hơn 15 triệu USD vốn đầu tư, doanh nghiệp sẽ sử dụng số tiền này để phát triển công nghệ và mở rộng thị trường vào nhiều quốc gia mới.
(Nguồn ảnh: Elsa)
- AR, VR, MR và ứng dụng nổi bật của XR:
Extended Reality (XR) hay còn gọi là thực tế mở rộng là thuật ngữ chung được sử dụng cho VR (Virtual Reality – Thực tế ảo), AR (Augmented Reality – Hiện thực ảo) và MR (Mixed Reality – Trộn lẫn hiện thực ảo và thực tế ảo), cũng như tất cả các thực tế trong tương lai mà công nghệ này có thể mang lại, bao phủ toàn bộ quang phổ của môi trường thực và ảo.
Tại Việt Nam, nổi bật có thể kể đến dự án “Thí điểm ứng dụng công nghệ Thực tế ảo và Thực tế tăng cường ở cấp mầm non và trung học cơ sở Việt Nam” do UNICEF và CFC Vietnam triển khai, hướng đến việc phát triển, thử nghiệm và thể chế hóa sự đổi mới dạy-học dựa trên công nghệ (CFC).
Nền tảng XR Platform for Education của dự án này được tích hợp sẵn một số lượng lớn mô hình AR/VR (với hơn 800,000 module 3D và AR đã được tạo sẵn), giúp giáo viên dễ dàng tích hợp chúng vào bài giảng của mình, tạo nên một môi trường học tập trực quan và đầy sáng tạo cho học sinh.
(Nguồn ảnh: CFC)
- Đầu tư vào công nghệ giáo dục trên thế giới và tại Việt Nam
Vốn đầu tư vào thị trường EdTech toàn cầu
Lĩnh vực EdTech toàn cầu bắt đầu thập kỷ trước với 500 triệu đô la đầu tư từ vốn rủi ro vào năm 2010 và kết thúc với mức tăng xấp xỉ gấp 32 lần (16,1 tỷ đô la) vào năm 2020, gần gấp đôi kỷ lục đầu tư trước đó vào năm 2018.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã tạo nên cú sốc cho lĩnh vực giáo dục khi gián đoạn việc học tập với quy mô không tưởng trên toàn cầu, song hành với sự phát triển bức tốc của công nghệ, khiến dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực Edtech nhanh chóng bùng nổ (Holoniq).
Trong năm 2022, các công ty khởi nghiệp công nghệ giáo dục Việt Nam đã nhận được 8 khoản đầu tư với tổng số tiền là 46,8 triệu USD. So với các năm trước, giá trị đầu tư năm 2022 thấp hơn mức đỉnh của năm 2021 (158 triệu USD) nhưng vẫn cao hơn so với năm 2020 và 2019.
(Nguồn ảnh: Nextrans)
EduSpace, Vietnam Investment Group, Northstar Group, ThinkZone Ventures, Do Ventures, RareJob, KKR, Antler, Mekong Enterprise Fund III cũng là những nhà đầu tư tiêu biểu của thị trường EdTech Việt Nam các năm trở lại đây.Trong đó, Kaizen Investments được xem là nhà đầu tư nổi bật khi rót $10M USD vào YOLA (công ty giáo dục cung cấp dịch vụ giảng dạy tiếng Anh cho thanh thiếu niên) và $15M USD cho MindX.
- Một số start-up nổi bật trên thế giới và tại Việt Nam:
Tổng quan thị trường Edtech Việt Nam hiện nay
Hiện nay, trên toàn thế giới hiện có 28 công ty EdTech kiểu “unicorn” với hầu hết trụ sở đặt tại Bắc Mỹ và châu Á, tiêu biểu là các quốc gia Hoa Kỳ (15 startups) và Ấn Độ (6 startups), số còn lại có trụ sở tại Đài Loan, Canada, Áo, Vương quốc Anh, Úc và Israel (Link).
Bên cạnh đó, Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng cũng ghi nhận sự ra đời và phát triển của nhiều startup nổi bật.
- Geniebook
Geniebook là nền tảng học tập trực tuyến kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại Singapore, được đầu tư bởi Apricot Capital, East Ventures Growth, Lightspeed Venture Partners và một số nhà đầu tư thiên thần khác.
Sở hữu mức tăng trưởng đáng kinh ngạc gấp ba lần trong hai năm, nền tảng này đã thu hút hơn 220,00 người dùng tại Châu Á, với bộ ba sản phẩm GenieSmart, GenieClass và GenieAsk.
Ngoài ra, Geniebook cũng phát triển ứng dụng Parent App giúp phụ huynh theo dõi tiến trình học tập của con cái và hỗ trợ họ đồng hành cùng con cái trong việc học ở bất kỳ lúc nào và bất cứ đâu.
(Nguồn ảnh: Geniebook)
- MindX
MindX thành lập vào năm 2015 mang mục tiêu trang bị cho giới trẻ Việt năng lực công nghệ, với hệ sinh thái bao gồm giáo dục (lĩnh vực trọng yếu), kết nối việc làm và không gian khởi nghiệp. Tính đến nay, hơn 35.000 học viên đã tốt nghiệp từ MindX và hiện đang sinh sống và làm việc tại gần 20 quốc gia như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Singapore, Úc…
Công ty vừa thành công kêu gọi 15 triệu USD vòng series B do quỹ đầu tư Kaizenvest của Singapore dẫn dắt. MindX nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo kỹ năng và tư duy để giới trẻ sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
(Nguồn ảnh: MindX)
Thông tin liên hệ:
- itifund.com
- (+84)90 998 3699
- info@itifund.com
- fb.me/ITIFund