Xuất khẩu thương mại điện tử – mảnh đất tiềm năng của startups Việt
Thứ Ba, 09/08/2022 19:42 (GTM +7)
Báo cáo “Người bán hàng địa phương, khách tiêu dùng toàn cầu” của Amazon Global Selling Việt Nam đánh giá cao sự phát triển của thương mại điện tử (eCommerce) tại nước ta, đặc biệt lĩnh vực xuất khẩu (bán hàng xuyên biên giới) qua thương mại điện tử được xem là vô cùng tiềm năng.
Cùng ITI Fund tìm hiểu thêm về dự báo tăng trưởng, hiện trạng thực tế, khó khăn và phương án giải quyết đề xuất để khai phá mảnh đất xuất khẩu thương mại điện tử đầy tiềm năng này tại Việt Nam.
Xuất khẩu thương mại điện tử Việt Nam – Dự báo tăng trưởng
Amazon Global Selling dự báo, lĩnh vực xuất khẩu thương mại điện tử (bán hàng xuyên biên giới) tại Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm và dự kiến thu về 256.100 tỷ đồng (tương đương 11,1 tỷ USD) vào năm 2026; trong đó, hơn 64% doanh số do doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tạo ra.
Báo cáo cũng nhận định, nếu xem “Thương mại điện tử B2C” như ngành hàng xuất khẩu, trong năm năm tới, đây được dự đoán sẽ là ngành xuất khẩu có thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam. Hiện tại, mảng bán hàng xuyên biên giới chiếm khoảng 36% tổng doanh thu toàn ngành thương mại điện tử nước ta.
Ngoài ra, việc tận dụng xuất khẩu thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp có thể len lỏi vào các quốc gia khó tính – nơi tồn tại nhiều rào cản và chi phí nếu giao thương cách truyền thống. Lĩnh vực này cũng giúp giảm chi phí vận hành và phân phối sản phẩm đến người dùng cuối (end-users).
Hiện trạng thực tế của xuất khẩu thương mại điện tử Việt Nam
Theo số liệu của PwC vào cuối năm 2021, tỷ lệ người dùng mua sắm trực tiếp tại cửa hàng giảm xuống còn 67% (so với năm 2019 là 76%); trong khi các nền tảng trực tuyến và điện thoại thông minh tăng từ 55% lên 69%.
Bên cạnh đó, qua việc khảo sát hơn 300 doanh nghiệp MSME tại Việt Nam vào năm 2021, AlphaBeta cho biết tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) đạt 75,4 nghìn tỷ đồng (3,3 tỷ USD). Trong đó, có 88% công ty nhận định thương mại điện tử rất quan trọng trong hoạt động xuất khẩu của họ và doanh thu cũng cao hơn so với giao dịch trực tuyến nội địa.
Ví dụ như công ty mật hoa dừa SokFarm (Trà Vinh) đang đẩy mạnh xuất khẩu qua Amazon và hiện có đầu mối ở Hà Lan, Pháp, Thụy Sĩ, Thái Lan, Nhật, châu Mỹ… Doanh nghiệp cho biết hiện hoạt động bán lẻ xuyên biên giới chiếm 5% tổng doanh thu và đang hướng đến mục tiêu 15 – 20%.
Thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu thương mại điện tử
Bên cạnh cơ hội phát triển và mở rộng thị trường tiềm năng nhờ xuất khẩu thương mại điện tử, vẫn còn một số thách thức mà các công ty khởi nghiệp Việt Nam phải đối mặt, chủ yếu về thông tin, năng lực, chi phí và quy định.
Theo báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam, có đến 80% doanh nghiệp cho rằng họ thiếu thông tin về các quy định liên quan ở thị trường nước ngoài, 85% công ty gặp rào cản về năng lực cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu và 81% thừa nhận họ chưa chuẩn bị để đáp ứng sở thích và tâm lý tiêu dùng nước ngoài.
Để đạt được mục tiêu dài hạn này, việc trang bị cho doanh nghiệp và cộng đồng những thông tin, kiến thức cập nhật về chính sách, kỹ năng triển khai thương mại điện tử và áp dụng ứng dụng kinh tế số là yếu tố vô cùng quan trọng.
Thông tin liên hệ:
- 🌏 itifund.com
- 📞 (+84)90 998 3699
- 📩 info@itifund.com
- 🔔 fb.me/ITIFund