8x 9x đưa sản vật việt vươn mình ra thế giới
Thứ Ba, 15/03/2022 09:44 (GTM +7)
Sự phát triển bùng nổ của công nghệ và thương mại điện tử đã tạo cơ hội cho các làng nghề mở rộng thị trường, trong đó, thế hệ trẻ Việt Nam có vai trò rất quan trọng với những sáng kiến đột phá nhằm đưa sản vật nước nhà tiến xa hơn.
Xem thêm: Năm 2022 – Thời điểm vàng xuất khẩu mây, tre, cói, thảm
Chàng thanh niên Kiên Giang thu hàng trăm triệu mỗi tháng từ…cỏ
Trước khi về quê khởi nghiệp, Huỳnh Văn No từng có hơn 5 năm làm du lịch và đặt chân đến 22 quốc gia, từ đó nhận ra việc bảo vệ môi trường ngày càng được chú trọng. Châu Âu và một số nước châu Á như Singapore, Đài Loan… cũng đã cấm sử dụng ống hút nhựa và thay bằng ống hút giấy, bột, kim loại tại các nhà hàng, quán cà phê,…
Tháng 3/2019, từ loại cây mọc hoang không có giá trị kinh tế tại vùng đệm rừng U Minh Thượng, anh No đã tạo ra ống hút cỏ bàng, cỏ sậy có màu sắc tự nhiên, bắt mắt thân thiện môi trường và được sự đón nhận nhiệt tình của người dùng trong, ngoài nước.
Huỳnh Văn No – chàng trai kiếm hàng trăm triệu từ cỏ (nguồn ảnh: VnExpress)
Sản phẩm tập trung vào phân khúc khách hàng cao cấp và hướng đến thị trường xuất khẩu, dần dần chúng có mặt khắp Việt Nam và các quốc gia trên thế giới như Đức, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore,… Chỉ sau 1 năm, xưởng sản xuất của anh No đã đạt doanh thu 350-500 triệu đồng/tháng và tạo công ăn việc làm cho 15-20 lao động địa phương.
Thời gian tới, anh No sẽ tập trung nghiên cứu công nghệ để giảm chi phí, hạ giá thành và đưa ra thị trường sản phẩm đĩa dùng một lần từ thân cây chuối và mo cau, với mong muốn góp phần tạo ra vòng kinh tế bền vững và tuần hoàn.
Khai thác giá trị tre Việt cùng chàng trai miền Trà Lân
Nhận thấy nguồn tài nguyên tre, trúc là vô cùng lớn do chúng có thể tái sinh trong thời gian ngắn, anh Thái Đăng Tiến – GIám đốc Hợp tác xã Trà Lân thổi luồng gió mới vào chính quê hương với sản phẩm “xanh” dân dụng từ tre, trúc phù hợp xu thế hiện nay.
Gốc là bộ phận thường bị tiêu hủy sau khi khai thác tre, nhưng anh Tiến đã nhận thấy tiềm năng từ “đồ bỏ đi” này qua việc chế tác thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Thái Đăng Tiến – thanh niên khai thác giá trị tre Việt (nguồn ảnh: Báo Dân tộc & Phát triển)
Gốc tre sau khi rửa sạch, phơi khô, xử lý để chống mối mọt được chế tác thành ấm pha trà, cốc, bình cắm hoa,… Những phần như nắp ấm, tay cầm, vòi nước… cũng dùng từ cành, rễ, nhánh của tre để mang nét đẹp riêng biệt.
Với mong muốn đánh vào thị trường rộng hơn, anh Tiến đã hun đúc rút kinh nghiệm và tìm tòi học hỏi để cho ra sản phẩm chất lượng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hơn. Hợp tác xã hiện đang sở hữu hơn 15 mẫu sản phẩm và có mặt trên khắp cả nước bởi tính thẩm mỹ tinh tế và hữu dụng.
Kỹ sư 9X làm giấm khai thác giá trị gia vị Việt
Là kỹ sư nên khi bước vào mảng nông nghiệp, anh Ngọc gặp không ít khó khăn, thêm vào đó, trong tâm thức người Việt, giấm ăn chỉ được xem là gia vị thứ yếu; việc sử dụng chúng như một thức uống giải nhiệt, bảo vệ sức khỏe lại chưa phổ biến.
Để duy trì doanh nghiệp Nông sản Cô Tâm, thời gian đầu, anh vừa sản xuất, vừa tự nghiên cứu về quy trình lên men giấm để hoàn thiện thương hiệu cho sản phẩm truyền thống của gia đình.
Vũ Minh Ngọc – Kỹ sư làm giấm nâng tầm gia vị Việt (nguồn ảnh: Báo Thanh Niên)
Sau 4 năm, các sản phẩm giấm mơ, cốt mơ truyền thống, tiêu xanh ngâm giấm của anh Ngọc đã có mặt trên toàn quốc và đạt doanh thu gần 2 tỷ VNĐ/năm, tạo việc làm cho hơn 35 lao động địa phương.
Thêm vào đó, từ quả mơ rừng Tây Bắc và cơ chế ngâm ủ gia truyền, anh Ngọc đang chế tạo vang mơ đặc trưng kết hợp công thức phương Tây (dòng balsamic của Pháp).
Đồng thời, chàng trai trẻ mong muốn sẽ chuẩn hóa quy trình sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu tại làng Bách Cốc để nhân rộng mô hình, phát triển làng nghề giấm truyền thống tại quê hương mang chỉ dẫn địa lý.
Nguồn: Tổng hợp
Thông tin liên hệ:
- 🌏 itifund.com
- 📞 (+84)90 998 3699
- 📩 info@itifund.com
- 🔔 fb.me/ITIFund