Giải mã cơn sốt khởi nghiệp về công nghệ giấc ngủ trên thế giới năm 2023
Thứ Năm, 20/07/2023 09:00 (GTM +7)
Theo Wakefield Research, có khoảng 37% người trẻ nước ta bị mất ngủ và 73% bị căng thẳng do rối loạn giấc ngủ. Số liệu cũng cho thấy có đến 79% người tham gia không có thời gian nghỉ ngơi mỗi ngày và mỗi nhân viên văn phòng trung bình phải dành 10 ngày một năm để ngủ bù.
Mất ngủ là trạng thái không mấy dễ chịu và có thể gây các tác động tiêu cực không chỉ với thể chất mà còn sức khỏe tinh thần của chúng ta. Hiện nay, ngày càng nhiều thống kê cho thấy vấn đề này không chỉ tồn đọng ở người lớn tuổi mà đã lan sang cả nhóm trẻ Việt Nam.
Nhịp sống hối hả và căng thẳng khiến tình trạng mất ngủ gia tăng
Tín hiệu đáng báo động trên khiến mọi người phải tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ, từ đó mang đến cơ hội phát triển cho các startup công nghệ giấc ngủ (sleeptech).
Lý giải nguyên nhân Việt Nam và thế giới “khó ngủ”
Theo các chuyên gia, mất ngủ có thể bởi một số nguyên nhân như sau:
- Yếu tố bên trong:
-
- Chứng rối loạn giấc ngủ: Ở Mỹ, có đến 70 triệu người trưởng thành bị rối loạn giấc ngủ với hơn 100 triệu chứng khác nhau, đáng chú ý nhất là các biểu hiện như ngủ rũ, ngưng thở khi ngủ, không ngủ được trong ngắn và dài hạn.
- Căng thẳng và lo lắng: trạng thái này có thể nguyên nhân trực tiếp gây mất ngủ, và ngược lại. Điều này dẫn đến một vòng quay vô tận và khiến mọi thứ trầm trọng hơn nếu không được giải quyết đúng cách. Theo số liệu, có đến 43% người từ 13-64 tuổi bị mất ngủ vì căng thẳng ít nhất một lần mỗi tháng
- Thói quen ngủ: Hơn 35% người lớn thức dậy vào giữa đêm ít nhất 3 lần mỗi tuần, 50% thích nằm nghiêng khi ngủ trong khi chỉ có 37,5% thích nằm ngửa – tư thế ngủ được khuyến nghị nhất. Từ đó cho thấy các thói quen ngủ lành mạnh và đảm bảo việc nghỉ ngơi được nhất quán là điều kiện cần thiết giúp con người ngủ ngon hơn.
- Yếu tố bên ngoài:
-
- Môi trường xung quanh: âm thanh, ánh sáng, độ ẩm không khí,… đều là những nguyên nhân ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng giấc ngủ. Tình trạng ngáy to khi ngủ xuất hiện ở 44% nam giới và 28% nữ giới trong độ tuổi 30 – 60 (theo VinMec) cũng là một trong những vấn đề nan giải.
Ngáy to cũng là một trong các nguyên nhân về môi trường xung quanh gây mất ngủ
-
- Dụng cụ tại phòng ngủ: các thiết bị như giường, gối nằm,… cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ như mức độ vệ sinh, độ êm ái, tư thế ngủ.
Tiềm năng thị trường công nghệ giấc ngủ (sleeptech)
Việc xác định quy mô và nhu cầu luôn là bước quan trọng khi một startup tiến bước vào lĩnh vực mới. Theo tính toán, thị trường công nghệ hỗ trợ giấc ngủ toàn cầu đã vượt quá 12,5 tỷ USD vào năm 2020 và dự đoán sẽ đạt 40,6 tỷ USD năm 2027, với động lực tăng trưởng chủ yếu từ tỷ lệ rối loạn giấc ngủ ngày càng tăng, tiến bộ công nghệ và nhận thức của người dùng về các thiết bị hỗ trợ giấc ngủ trước tình hình dân số già hóa trên toàn cầu. Bắc Mỹ hiện đang là khu vực có tỷ trọng doanh thu cao nhất ở mức 43% vào năm 2020 và được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 15,5% cho đến năm 2030.
Về giới tính, phụ nữ được xem là nhóm đặc biệt ưa chuộng các thiết bị công nghệ hỗ trợ giấc ngủ vì họ dễ gặp các vấn đề mất ngủ do thay đổi nội tiết tố.
Theo sản phẩm, các thiết bị đeo đang chiếm thị phần lớn nhất và dự kiến có tốc độ tăng trưởng là 17% so với 14% với thiết bị khử tiếng ồn và 5% với giường thông minh. Cảm nhận về sự tiện lợi, nhỏ gọn và giá cả phải chăng cũng góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ ở phân khúc đặc biệt này.
Ứng dụng di động về giấc ngủ được thế giới ưa chuộng vì sự tiện lợi (Nguồn ảnh: Sleep Foundation)
Tuy nhiên, xét về quy mô và tốc độ tăng trưởng, ứng dụng di động mới là lĩnh vực nắm vị trí đầu bảng. Sensor Tower ước tính rằng chi tiêu của người dùng toàn cầu sẽ đạt 270 tỷ USD vào năm 2025 và tăng trưởng 19,5% hàng năm. Các ứng dụng chăm sóc sức khỏe di động sẽ vượt quá một tỷ lượt cài đặt trên toàn thế giới vào năm 2021, mức tăng kinh ngạc khi so sánh với khoảng 730 triệu lượt trước đại dịch năm 2019.
Các startup công nghệ giấc ngủ (sleeptech) giải quyết hiện trạng này như thế nào?
Trước các vấn đề cũng như cơ hội trên, một số startup về giải pháp công nghệ giấc ngủ cũng đã ra đời và có thể kể đến:
Thiết bị đeo theo dõi giấc ngủ
Đây là giải pháp giúp thu thập dữ liệu về hành vi của người dùng để hiểu rõ và giải quyết các trở ngại khi ngủ, với nhiều hình thức khác nhau như dây đeo cổ tay, đồng hồ thông minh, bịt mắt, nhẫn,…
Công nghệ này đã nhanh chóng được người tiêu dùng chấp nhận trong những năm gần đây. Nghiên cứu cho thấy rằng hiện tại, một phần ba người Mỹ sử dụng đồng hồ thông minh để theo dõi chất lượng giấc ngủ của họ
Một số giải pháp nổi bật trong lĩnh vực này có thể kể đến:
- Fitbit Charge 4: thiết bị theo dõi giấc ngủ tích hợp cảm biến nhịp tim và nồng độ oxy trong máu để giúp người dùng hiểu rõ hơn về thói quen ngủ của mình.
- Sleepon Go2Sleep Smart Ring: nhẫn đeo tay giúp theo dõi các chỉ số thể chất trong lúc nghỉ ngơi và vận động, từ đó đề xuất thời gian ngủ và các hướng dẫn khác tối ưu cho người dùng.
Sản phẩm Sleepon Go2Sleep Smart Ring hỗ trợ giấc ngủ cho người dùng (Nguồn: Go2Sleep)
Giường thông minh
Bên cạnh cảm giác êm ái và dễ chịu, giường thông minh còn được gắn các cảm biến theo dõi tín hiệu sinh học nhằm thu thập dữ liệu về nhịp tim, hơi thở, nhiệt độ cơ thể và chuyển động của người dùng trong khi ngủ để xác định phong cách thích hợp.
Một số giường thông minh cao cấp còn cho phép theo dõi môi trường xung quanh, chẳng hạn như nhiệt độ và âm lượng, ánh sáng trong phòng. Từ đó, chúng có thể điều chỉnh nhiệt độ, độ đàn hồi,… của đệm để cải thiện giấc ngủ.
Tiêu biểu như Ghost SmartBed 3D Matrix – thiết bị giường thông minh có thể điều chỉnh độ đàn hồi theo tư thế thích hợp, với công nghệ làm mát được sử dụng để tạo ra nhiệt độ tối ưu cho giấc ngủ.
Ghost SmartBed 3D Matrix – Giường thông minh với nhiều tính năng độc đáo (Nguồn ảnh: Ghost SmartBed)
Công nghệ kiểm soát tiếng ồn
Nếu môi trường xung quanh có nhiều âm thanh thì chất lượng giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Công nghệ kiểm soát tiếng ồn (ANC) giúp giải quyết vấn đề này bằng cách giảm các sóng âm không mong muốn qua việc khử tiếng ồn (NC) hoặc giảm tiếng ồn chủ động (ANR), phù hợp với âm thanh xe chạy hoặc động cơ.
Bên cạnh đó, để loại bỏ những tiếng ồn đột ngột, chẳng hạn như giọng nói to, chó sủa và tiếng ngáy, thì mặt nạ lọc âm thanh cũng là lựa chọn đáng cân nhắc. Công nghệ này về cơ bản sẽ thay thế những tiếng động không mong muốn đó bằng những âm thanh khác.
Ví dụ: Bose Sleepbuds II mang đến giải pháp ngăn chặn các tần số tiếng ồn khắc nghiệt và thay thế chúng bằng âm thanh có lợi cho giấc ngủ như tiếng sóng biển từ một ứng dụng điện thoại được kết nối.
Sản phẩm Bose Sleepbuds II (Nguồn ảnh: Bose)
Một giải pháp phổ biến khác để kiểm soát tiếng ồn là máy tạo âm thanh dễ chịu giúp người dùng ngủ ngon như tiếng trắng, hồng, nâu hoặc giả lập âm thanh của tự nhiên như tiếng thác nước, tiếng mưa và tiếng gió,…
Ứng dụng di động để cải thiện giấc ngủ
Vì là lĩnh vực có quy mô và tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong ngành công nghệ giấc ngủ như đã đề cập ở trên, nhiều startup ra đời và mang đến các giải pháp hữu ích, nổi bật có thể kể đến:
- Calm – Ứng dụng thiền cung cấp các bài tập chánh niệm, âm thanh và nhạc ru ngủ
- Book Morning! – Ứng dụng thói quen ngủ được thiết kế bởi nhà phát triển app chăm sóc sức khỏe nổi tiếng Fourdesire đến từ Đài Loan.
- Plant Nanny2 – giải pháp khuyến khích mọi người phát triển thói quen uống nước, đã được Google Play vinh danh là Ứng dụng tốt nhất năm 2019.
- Walker – ứng dụng đếm bước chân nhằm khuyến khích người dùng đi bộ nhiều hơn trong ngày, đã nhận được Giải thưởng trò chơi hay nhất từ Apple App Store.
Book Morning! – ứng dụng cải thiện thói quen ngủ được nhiều người ưa chuộng (Nguồn ảnh: Film Daily)
Đây chỉ là một vài trong số rất nhiều giải pháp mới nổi trên thị trường công nghệ hỗ trợ giấc ngủ và chúng đại diện cho một số cơ hội siêu hấp dẫn cho các công ty công nghệ trong những năm tới.
—
Mất ngủ không chỉ có tác động xấu đến sức khỏe của từng cá nhân, mà còn gây bất lợi cho nền kinh tế quốc gia vì năng suất lao động giảm bởi thể chất và tinh thần không tốt. Chính vì thế, ngành công nghệ giấc ngủ được đánh giá không chỉ có cơ hội phát triển mà còn rất cần thiết.
Thông tin liên hệ:
- itifund.com
- (+84)90 998 3699
- info@itifund.com
- fb.me/ITIFund