Carbon Credit – Giải pháp chống lại biến đổi khí hậu và triển vọng phát triển tại Việt Nam
Thứ Năm, 10/08/2023 09:00 (GTM +7)
Đối mặt với cuộc khủng hoảng khí hậu, các quốc gia, tổ chức đang nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải carbon và tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới từ thị trường carbon credit. Đây là một thị trường đầy tiềm năng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp tài chính xanh.
Carbon credit – giải pháp tiên tiến hỗ trợ giảm thiểu khí thải carbon
Carbon credit (tín chỉ cacbon) về cơ bản một loại giấy phép được cấp bởi chính phủ hoặc cơ quan quản lý, cho phép chủ sở hữu của nó đốt một lượng nhiên liệu hydrocacbon được quy định. Các đối tượng tham gia vào thị trường carbon credit bao gồm chính phủ, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, các dự án giảm thiểu khí thải carbon và các cá nhân.
Thị trường cacbon credit ra đời từ năm 1997 khi Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu được thông qua. Theo nghị định, các quốc gia có quyền có thể mua, bán hoặc chuyển nhượng các quyền phát thải carbon cho các quốc gia khác.
Những điểm nổi bật về carbon credit:
- 1 carbon credit đại diện cho 1 tấn CO2 mà một tổ chức được phép thải ra.
- Thị trường carbon credit tồn tại 2 hình thức phổ biến:
+ Thị trường bắt buộc: hình thành và điều tiết bởi các hệ thống giảm phát thải quốc tế, khu vực hoặc quốc gia để thực hiện giảm phát thải.
+ Thị trường tự nguyện: vận hành dựa trên cam kết tự nguyện giữa các tổ chức, cá nhân và tuân theo các tiêu chuẩn do tổ chức đặt ra được thị trường thừa nhận. - Đơn vị, tổ chức dư thừa cacbon credit có thể bán lại trên thị trường.
Carbon credit khuyến khích các tổ chức giảm thiểu khí thải và tạo ra nguồn doanh thu mới, thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng các nguồn năng lượng sạch, khuyến khích trồng rừng và tăng cường hợp tác quốc tế giữa các quốc gia.
Carbon credit – cơ hội kinh doanh mới dành cho các doanh nghiệp
Theo Statista, năm 2021, giá trị của thị trường carbon toàn cầu chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với 164% lên mức cao kỷ lục 760 tỷ euro. Sự tăng trưởng này chủ yếu là do tăng nhận thức về bảo vệ môi trường, dẫn đến nhu cầu về carbon credit tăng và giá cả tăng vọt. Trong đó, năm 2021, Hệ thống Thương mại Khí thải Liên minh Châu Âu chiếm khoảng 90% quy mô thị trường toàn cầu.
Giá trị thị trường carbon toàn cầu từ năm 2018 đến 2022 (Nguồn: Statista)
Tesla – thu khoảng lợi nhuận “béo bở” từ carbon credit
Theo CNN, tính đến tháng 4/2023, 18 tiểu bang của Mỹ đã yêu cầu các hãng sản xuất ô tô phải đạt 70% trong doanh số là xe không phát thải vào năm 2030 hoặc sẽ phải mua carbon credit từ những doanh nghiệp đáp ứng vượt mức quy định đề ra, chẳng hạn như Tesla – công ty dẫn đầu trong thị trường xe điện và thị trường carbon credit.
Doanh thu từ Carbon credit của Tesla qua các năm (Nguồn: Carboncredit)
Thông qua hoạt động năng lượng sạch như lắp đặt bảng năng lượng mặt trời, sử dụng hệ thống lưu trữ năng lượng, Tesla đã khai thác các khoản carbon credit và bán cho các nhà sản xuất ô tô khác. Năm 2022, Tesla đã lập kỷ lục với 1,78 tỷ USD doanh thu từ carbon credit. Trong tương lai, Tesla vẫn sẽ tiếp khai thác thị trường tiềm năng này.
Flowcarbon – startup đưa các khoản carbon credit vào blockchain
Flowcarbon là một startup công nghệ khí hậu có trụ sở tại Hoa Kỳ và được thành lập vào năm 2021, tiên phong đưa carbon credit vào blockchain. Đây là giải pháp dành cho thị trường carbon tự nguyện, giúp cho việc mua bán, giao dịch các khoản tín dụng CO2 trở nên dễ tiếp cận hơn, hiệu quả hơn và có thể thực hiện xuyên quốc gia. Theo đại diện Flowcarbon – Adam Neumann, hệ thống mua bán tín dụng CO2 hiện tại được xây dựng trên cơ sở thị trường không rõ ràng, ít tính thanh khoản, khả năng tiếp cận và minh bạch về giá cả kém. Tháng 05/2022, startup này thành công gọi vốn 70 triệu USD tại vòng Series A.
Triển vọng phát triển thị trường carbon credit tại Việt Nam
Trên thực tế, Việt Nam đã bước đầu tham gia thị trường carbon bắt buộc thông qua một số chương trình, dự án, thỏa thuận giảm phát thải. Riêng thị trường carbon tự nguyện vẫn đang trong giai đoạn thăm dò, nghiên cứu khả thi hoặc xây dựng đề án. Việc chuyển nhượng carbon rừng vẫn chưa thành công do gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, một trong những nguyên nhân chính là do còn nhiều khoảng trống trong khuôn khổ pháp lý, thể chế, quản lý cũng như năng lực tổ chức thực hiện chuyển nhượng carbon rừng.
Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, dự kiến, năm 2025, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ ban hành một số thông tư về hướng dẫn dự án theo cơ chế bù trừ tín chỉ carbon trong nước, hướng dẫn trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Theo nghị định này, Việt Nam sẽ chính thức khởi động sàn giao dịch tín chỉ carbon nội địa vào năm 2028 và từng bước kết nối thị trường thế giới. Với diện tích rừng tại Việt Nam, tiềm năng từ các hoạt động giao dịch tín chỉ carbon trong tương lai là rất cao. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu tính chung diện tích rừng trên cả nước, mỗi năm Việt Nam có thể cung cấp khoảng 57 triệu tín chỉ carbon rừng, với mức giá trung bình 5 USD/ tín chỉ, mỗi năm sẽ mang về hàng trăm triệu USD.
Có thể nói, carbon credit mang đến một giải pháp tiên tiến để giảm thiểu lượng khí thải carbon và biến đổi khí hậu. Các startup hoạt động trong lĩnh vực này có thể cung cấp các giải pháp giúp các tổ chức và doanh nghiệp giảm thiểu khí thải carbon và tạo giá trị kinh doanh. Đây là một lĩnh vực hấp dẫn cho các startup, đặc biệt là trong giai đoạn các quốc gia đang nỗ lực để phát triển bền vững.
Thông tin liên hệ:
- itifund.com
- (+84)90 998 3699
- info@itifund.com
- fb.me/ITIFund