Sức khỏe kỹ thuật số (Digital Health) – Lĩnh vực đầy hứa hẹn dành cho startups
Thứ Sáu, 25/08/2023 09:00 (GTM +7)
Theo các chuyên gia, tương lai của ngành chăm sóc sức khỏe sẽ không còn phụ thuộc vào các dịch vụ truyền thống. Thay vào đó, sức khỏe của con người sẽ được duy trì một cách hiệu quả và tích cực hơn nhờ vào sự kết hợp giữa khoa học, dữ liệu và công nghệ qua nhóm ngành “sức khỏe kỹ thuật số”.
Sức khỏe kỹ thuật số (Digital Health) – Cuộc cách mạng công nghệ trong ngành sức khỏe của thế giới hiện đại
Theo Statista, doanh thu trên thị trường sức khỏe kỹ thuật số được dự đoán đạt 170,20 tỷ USD vào năm 2023 với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) từ năm 2023 đến 2027 là 10,78%. Trong những năm gần đây, nhờ vào sự phổ biến của internet và điện thoại thông minh cùng với tăng cao nhu cầu của người dân về chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật, ngành sức khỏe thuật số phát triển nhanh chóng. Kể từ đại dịch Covid-19, vấn đề này càng được quan tâm nhiều hơn. Xu hướng theo đuổi lối sống lành mạnh lẫn các giá trị hạnh phúc về tinh thần, thể chất cũng thúc đẩy tăng trưởng thị trường này.
Theo đó, ngành sức khỏe kỹ thuật số có hai phân khúc chính:
(1) Ngành thể dục và sức khỏe kỹ thuật số (Digital Fitness & Well-Being): theo Statista, doanh thu của ngành thể dục và sức khỏe kỹ thuật số dự kiến đạt 96,94 tỷ USD vào năm 2023, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) từ 2023-2027 là 10,93%.
(2) Ngành sức khỏe điện tử (eHealth): doanh thu của ngành sức khỏe điện tử được dự đoán sẽ đạt 73,21 tỷ USD vào năm 2023, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) từ 2023-2027 là 10,59% (Statista).
Hệ sinh thái kỹ thuật số trợ giúp y tế đang trở thành một phần quan trọng của ngành y tế và đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội, cụ thể:
- Tại bệnh viện: các giải pháp hệ thống định vị thời gian thực và giám sát không dây giúp theo dõi sức khỏe, thu thập, phân tích dữ liệu và cảnh báo các tình huống đáng báo động, nâng cao hiệu quả chăm sóc người bệnh.
- Tại phòng khám: các phần mềm y tế được sử dụng để quản lý hồ sơ sức khỏe kỹ thuật số của bệnh nhân, giúp nhanh và chính xác hơn.
- Ở nhà: với nhu cầu tìm kiếm thông tin và nhận tư vấn từ xa, người dùng có thể sử dụng các thiết bị y tế tại nhà như máy bơm insulin tự động, trợ lý kỹ thuật số hoặc các ứng dụng chăm sóc sức khỏe.
- Trên cơ thể: để đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, các thiết bị đeo trên cơ thể hoặc cấy ghép được sử dụng để theo dõi hoạt động thể chất hỗ trợ điều trị và chăm sóc bệnh nhân.
- Cộng đồng: các công nghệ như phần mềm giao tiếp và hệ thống thông tin được sử dụng để cải thiện chất lượng chăm sóc cho nhiều nhóm bệnh nhân. Công nghệ AR, VR cũng được sử dụng để đào tạo y tế, đặc biệt là kỹ năng giải phẫu.
Tổng vốn đầu tư vào ngành sức khỏe kỹ thuật số trên toàn thế giới từ năm 2010 đến 2022 (Nguồn: Statista)
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự tăng trưởng tích cực trong thị trường sức khỏe kỹ thuật số. Theo Statista, tổng vốn đầu tư trong ngành sức khỏe kỹ thuật số toàn cầu đã tăng trưởng mạnh mẽ lên gần 45 tỷ USD vào năm 2021 – một bước nhảy vọt so với các năm trước đó. Đồng thời, với sự phát triển của phương pháp trị liệu kỹ thuật số, thị trường này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng đáng kể trong tương lai.
Một số công nghệ được sử dụng phổ biến trong nhóm ngành sức khỏe kỹ thuật số:
- Internet of Things (IoT): cho phép các thiết bị y tế kết nối với nhau và thu thập dữ liệu sức khỏe, quản lý bệnh tật, giúp giao tiếp giữa bệnh nhân và nhân viên y tế hiệu quả hơn.
- Trí tuệ nhân tạo (AI): được sử dụng để phân tích dữ liệu và đưa ra dự đoán các tình trạng sức khỏe, hỗ trợ chẩn đoán và thiết kế phác đồ điều bệnh.
- Blockchain: được sử dụng để bảo vệ dữ liệu sức khỏe của bệnh nhân và đảm bảo tính toàn vẹn của thông tin y tế.
- Thực tế ảo (VR) và Thực tế tăng cường (AR): được sử dụng để giảm đau và lo lắng cho bệnh nhân trong quá trình điều trị, cũng như để đào tạo và giáo dục nhân viên y tế.
- Big Data & Data Analytics: phân tích và xử lý lượng lớn dữ liệu liên quan đến sức khỏe, bao gồm thông tin về bệnh nhân, lịch sử bệnh án, kết quả xét nghiệm, thuốc được sử dụng,… và giúp đưa ra những quyết định chính xác hơn trong việc chẩn đoán, dự đoán tình trạng sức khỏe.
- Cloud: được sử dụng để lưu trữ và chia sẻ dữ liệu y tế giữa các bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân một cách dễ dàng và an toàn, đồng thời hỗ trợ phân tích dữ liệu y tế và đưa ra chuẩn đoán bệnh.
Một số startup sức khỏe kỹ thuật số tiêu biểu
Trong những năm gần đây, thị trường sức khỏe kỹ thuật số đã trở thành một lĩnh vực hấp dẫn với nhiều startup công nghệ. Dưới đây là một số startup tiêu biểu:
Nhóm ngành thể dục và sức khỏe kỹ thuật số (Digital Fitness & Well-Being)
Whoop – startup thiết bị đeo thông minh được định giá 3.6 tỷ USD
WHOOP là một startup cung cấp thiết bị đeo thông minh để theo dõi sức khỏe và các hoạt động thể chất kỹ thuật số 24/7 thông qua nhịp tim của người dùng. Giải pháp này giúp theo dõi sự thay đổi nhịp tim, định lượng cường độ tập luyện, giấc ngủ, sự căng thẳng và thời gian phục hồi. Nó hỗ trợ các vận động viên, huấn luyện viên cân bằng việc tập luyện, giảm chấn thương và dự đoán hiệu suất. Nền tảng này cung cấp ứng dụng điện thoại thông minh của riêng mình để phân tích và báo cáo. WHOOP đã huy động được tổng cộng 404,8 triệu USD trong 9 vòng. Năm 2021, Whoop đã huy động 200 triệu USD tại vòng series F với mức định giá 3,6 tỷ USD.
Frenz Brainband – thiết bị vòng đeo Việt Nam đạt giải Đổi mới sáng tạo CES 2023
Frenz Brainband, sản phẩm đầu tiên của Việt Nam giành được giải thưởng Đổi mới sáng tạo CES 2023 – Triển lãm lớn nhất thế giới về lĩnh vực điện tử tiêu dùng. Thiết bị đeo đầu này có tính năng đo điện não đồ, nhịp tim, nhịp thở, nồng độ Oxy trong máu, theo dõi chuyển động mắt và cơ mặt. Từ các dữ liệu này, Frenz Brainband có thể đánh giá tình trạng tập trung và giấc ngủ của người dùng. Với những tính năng độc đáo và tiên tiến, Frenz Brainband đã được các hãng truyền thông lớn như Bloomberg, BBC và The Times vinh danh là một trong những công nghệ đột phá và là xu hướng công nghệ của năm 2023.
Sau khi hoàn thành gọi 2 vòng gọi vốn với 8,2 triệu USD vào tháng 2/2022, FRENZ Brainband tập trung toàn lực cho sản xuất thiết bị thông minh chăm sóc giấc ngủ và não bộ có khả năng cải thiện trí lực của con người.
Nhóm ngành sức khỏe điện tử (eHealth)
Doctor Anywhere – nền tảng bác sĩ trực tuyến phục vụ hơn 1,5 triệu người dùng tại Đông Nam Á
Doctor Anywhere là một startup cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa có trụ sở tại Singapore và có các văn phòng tại sáu quốc gia khu vực Đông Nam Á. Startup này đã và đang xây dựng hệ sinh thái mạnh mẽ tích hợp trên ứng dụng bao gồm cổng thanh toán, nhà cung cấp dịch vụ và bệnh nhân trên các thị trường trọng tâm. Ứng dụng Doctor Anywhere là sản phẩm cốt lõi của công, đây là một trong những ứng dụng y tế được yêu thích và sử dụng nhiều nhất tại Singapore. Năm 2021, Doctor Anywherre huy động thành công 65,7 triệu USD tại vòng Series C, trở thành một trong những vòng tài trợ tư nhân lớn nhất từng được huy động bởi một công ty công nghệ y tế ở Đông Nam Á.
Buymed – startup dược phẩm Việt Nam nhận đầu tư 51,5 triệu USD
BuyMed được thành lập vào năm 2018 và có trụ sở chính tại Singapore, với mong muốn đơn giản hóa việc phân phối dược phẩm tại Việt Nam và Đông Nam Á. Startup này đang điều hành trang thương mại điện tử Thuocsi.vn phân phối dược phẩm trực tiếp theo mô hình B2B, kết nối các nhà thuốc và phòng khám với các công ty dược phẩm uy tín, các nhà phân phối được cấp phép, được xác minh, cung cấp kết hợp tự động các đơn đặt hàng và hậu cần đầu cuối. Ngoài thị trường Việt Nam, BuyMed hiện đang có mặt tại 3 quốc gia Đông Nam Á khác là Singapore, Thái Lan và Campuchia. Tháng 5/2023, công ty tuyên bố huy động hành công 51.5 triệu USD tại vòng gọi vốn Series B.
Với sự phát triển của các công nghệ kỹ thuật số và sự quan tâm ngày càng tăng của người dùng đối với sức khỏe, trong tương lai, ngành sức khỏe kỹ thuật số sẽ phát triển mãnh mẽ. Đây chính là lĩnh vực đầy tiềm năng dành cho các startup đưa các sản phẩm và dịch vụ sức khỏe kỹ thuật số đến với xã hội.
Thông tin liên hệ:
- itifund.com
- (+84)90 998 3699
- info@itifund.com
- fb.me/ITIFund