Xu hướng đầu tư công nghệ đáng chú ý năm 2023 (phần 2)
Thứ Ba, 04/04/2023 09:00 (GTM +7)
Lượng vốn đầu tư lớn đổ vào các startup công nghệ Việt Nam mở ra nhiều cơ hội, đồng thời thách thức các dự án khởi nghiệp trong việc đáp ứng kỳ vọng kinh doanh tương xứng.
Dưới đây là một số xu hướng công nghệ được dự đoán sẽ vô cùng thu hút các nhà đầu tư vào năm 2023, theo báo cáo từ GlobalData.
Metaverse
Metaverse là một vũ trụ kỹ thuật số kết hợp các khía cạnh của internet, thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), trò chơi trực tuyến, truyền thông xã hội và tiền điện tử, cho phép người dùng tương tác và chia sẻ các trải nghiệm trong một thế giới ảo được thiết kế tinh vi theo thời gian thực. Hàng loạt các ông lớn từ nhiều lĩnh vực như thời trang, ngân hàng,… đều đã thông tin rộng rãi về các kế hoạch triển khai metaverse của mình trong năm 2021-2022.
Trong tương lai, metaverse được dự đoán sẽ bùng nổ hơn khi các doanh nghiệp SMEs gia nhập “vũ trụ ảo”. Giới chuyên gia nhận định, 2023 sẽ là năm định hướng cách chúng hoạt động trong thập kỷ tới. Năm 2024, giá trị đầu tư vào metaverse có thể lên đến 800 tỉ USD và dự kiến, công nghệ này sẽ bổ sung 5000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030.
Metaverse – kết hợp tất cả các khía cạnh cuộc sống vào một vũ trụ ảo
Forrester dự đoán rằng, qua việc ứng dụng metaverse vào tính năng hiện có, các ông lớn Zoom, Slack, Webex,… sẽ giúp công nghệ này dễ tiếp cận đến hàng chục triệu người. Gen Z có thể sẽ là thế hệ dùng chủ yếu của metaverse qua việc họ bắt đầu dành thời gian cho các công nghệ proto-metaverse thay vì Facebook và Instagram. Ở khía cạnh tổ chức, metaverse sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xử lý và trực quan hóa dữ liệu phức tạp một cách hiệu quả, chúng cũng đặc biệt hữu ích với các công việc liên quan tính an toàn vật lý (theo BCG).
Mặt khác, VMware cũng khuyến cáo người dùng nên cẩn thận khi tiếp cận công nghệ còn mới này để tránh bị tấn công mạng và đánh cấp dữ liệu cá nhân. Để trở thành nơi thực sự an toàn, nền tảng này cần áp dụng các biện pháp kiểm soát và triển khai xác thực liên tục – tận dụng các yếu tố như sinh trắc học và giám sát chặt chẽ hành vi của người dùng.
Blockchain & crypto
Dù sở hữu nhiều tiềm năng, blockchain vẫn chưa được các nhà lập pháp chú ý vì việc tiêu tốn nhiều năng lượng vận hành, ví dụ như, Ethereum từng ngốn 112 TWh/năm với cơ chế PoW, tương đương lượng điện tiêu thụ của cả Hà Lan, nhưng sau khi chuyển sang cơ chế PoS vào giữa tháng 9/2022, lượng điện giảm đến 99%, tương đương 0,01 TWh/năm. JP Morgan – ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đánh giá, đó sẽ là chất xúc tác cho sự phát triển của thị trường tiền điện tử trong 6-12 tháng tới.
Bên cạnh đó, việc khai thác bitcoin và các token cũng trở nên thân thiện hơn khi các chủ trại lớn trên toàn cầu chuyển hướng sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, thay cho nguyên liệu truyền thống, kết hợp với sự phát triển của blockchain có thể trở thành tín hiệu tích cực giúp kết thúc sớm “mùa đông tiền số”, qua một số ứng dụng:
- Ngành ngân hàng truyền thống: tích hợp các giao thức tài chính phi tập trung (DeFi) vào phần cuối của hệ thống để cung cập giải pháp thay thế hấp dẫn và đáng tin cậy hơn (theo AMLBot).
- Trò chơi điện tử: được mở rộng thông qua NFT với làn sóng trò chơi blockchain chất lượng cao xuất hiện và được nhiều người chấp nhận (theo Animoca Brands).
- Tài sản kỹ thuật số: được gần một nửa số nhà đầu tư xem là xu hướng của tương lai, ngay cả khi mùa đông tiền điện tử diễn ra khắc nghiệt (theo Matrixport).
Kỳ lân công nghệ Việt – Sky Mavis xây dựng tựa game blockchain đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á
Robot
Một số yếu tố như gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng,… đã thúc đẩy sự phát triển của tự động hóa và khiến ngành công nghiệp robot phát triển, khi định giá từ 45,3 tỷ USD năm 2020 tăng trưởng với tốc độ CAGR là 29% và đạt 568 tỷ USD năm 2030 (theo Global Data). Kết hợp với các tiến bộ trong công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và sự hỗ trợ bởi các quy định, thị trường robot dịch vụ được dự đoán sẽ tạo ra 55,2 tỉ USD doanh thu vào năm 2023.
Bên cạnh đó, về ngoại hình và khả năng, robot đang được nghiên cứu để giống con người hơn, với vai trò chào đón tại sự kiện, hướng dẫn du khách, pha chế, người chăm sóc tại viện dưỡng lão hay giúp việc nhà. Các hoạt động phức tạp như trong nhà kho và nhà máy, robot cũng đảm nhận được trong lĩnh vực sản xuất và logistic.
“Công dân robot” Sophia nhiều lần khiến con người khiếp sợ (Nguồn: MATTHEW SHAVE, HBOON ROBOTICS)
Tuy nhiên, ngành này cũng có một số thách thức bao gồm chi phí năng lượng gia tăng, mục tiêu sản xuất tăng lên, sự mong manh của chuỗi cung ứng trong thời đại kinh tế suy thoái.
Năm 2023, sự phát triển của các công nghệ trên dự đoán sẽ tạo ra sức ảnh hưởng lớn không chỉ cho các tổ chức, doanh nghiệp, mà còn là xã hội và môi trường. Các công ty, startups cần bắt kịp các xu hướng này để tận dụng những thế mạnh hiện hữu của các nền tảng công nghệ.
Thông tin liên hệ:
- itifund.com
- (+84)90 998 3699
- info@itifund.com
- fb.me/ITIFund