“Mùa đông gọi vốn” – thời điểm startup cần vượt qua để phát triển
Thứ Ba, 15/11/2022 09:00 (GTM +7)
Thị trường liên tục chứng kiến nhiều thương vụ gọi vốn lên đến hàng chục, hàng trăm triệu USD vào năm 2021. Bất chấp hậu Covid-19, bức tranh lạc quan tiếp tục được duy trì sang quý 1/2022. Dù vậy, áp lực lạm phát, suy thoái sau quá trình “tổn thương” bởi đại dịch khiến nguồn vốn đầu tư vào các startup có chiều hướng đi xuống.
Quý 2/2022, thị trường chứng kiến nhiều hơn các trường hợp startup phải dừng hoạt động vì không có đủ nguồn vốn để tồn tại. Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh “mùa đông gọi vốn” đang đến và được dự báo sẽ kéo dài ít nhất 2 năm, đây là lúc để startup tìm cách dựa vào chính mình thay vì nguồn vốn mạo hiểm bên ngoài.
“Mùa đông gọi vốn” được xem là thời kỳ giúp startup tập trung vào việc quản lý nội bộ hiệu quả hơn
Dưới quan điểm của VinaCapital Ventures, thời kỳ khó khăn về gọi vốn nên được xem là khoảng thời gian bắt buộc để các startup tập trung cải thiện, tăng hiệu quả của quản lý nội bộ. Tuy nhiên, đây có thể là cơ hội cho các quỹ đầu tư cũng như các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước để đẩy mạnh đầu tư vào các startup Việt Nam
Trong 10 năm qua, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ về số lượng (hơn 3.800 startups năm 2021) mà cả về chất lượng (4 startups định giá trên 1 tỷ USD, thu hút hơn 1,4 tỷ USD đầu tư); từ đó đóng góp vào nền kinh tế chung qua quá trình chuyển đổi số, giải quyết các vấn đề đang tồn đọng cũng như tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành trọng điểm như logistic, y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, bán lẻ.
Ở diễn biến khác, việc tiếp nhận sự chuyển đổi số một cách tích cực của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng thúc đẩy đưa làn sóng đầu tư đổi mới lan rộng, tạo cơ hội để startup công nghệ tham gia vào việc giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.
So với khu vực, Việt Nam có dân số gần 100 triệu người với trình độ học vấn, tốc độ đô thị hóa cao (37%) và thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng nhanh, độ phủ internet và tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh cao; đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư.
Việt Nam được xem là thị trường tiềm năng với nhiều lợi thế
Ngoài ra, Chính phủ nước ta cũng rất quan tâm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số, đặt mục tiêu đóng góp 30% vào GDP. Cùng với đó, Việt Nam đang thúc đẩy chuẩn bị hệ thống hạ tầng kỹ thuật như công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, đào tạo nhân lực chất lượng tốt hơn để sẵn sàng khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau “mùa đông gọi vốn”.
Nguồn: CafeF
Thông tin liên hệ:
- 🌏 itifund.com
- 📞 (+84)90 998 3699
- 📩 info@itifund.com
- 🔔 fb.me/ITIFund