Một số start up tận dụng tốt thế mạnh địa phương
Thứ Tư, 01/12/2021 14:45 (GTM +7)
Khởi nghiệp tận dụng thế mạnh địa phương, nhất là lĩnh vực nông nghiệp gần đây nổi lên như một xu hướng. Cùng điểm qua một số doanh nghiệp đã phát huy tốt và nhanh chóng đạt được các thành tựu nhất định nhé.
Mật Hoa Dừa SokFarm
Ý tưởng sản xuất các sản phẩm từ mật hoa dừa thương hiệu Sokfarm ra đời từ đầu năm 2018, khi giá dừa khô tại tỉnh Trà Vinh rớt giá thê thảm, có thời điểm 1200 trái dừa nhưng người nông dân chỉ có thu nhập được 2 triệu VNĐ.
Nguồn: SokFarm
Trăn trở trước những khó khăn đó, năm 2019, Chị Chal Thi đã hình thành ý tưởng phát triển các sản phẩm mật hoa dừa từ vùng dừa lớn thứ 2 của Việt Nam – điểm cuối cùng của dòng sông Mekong vĩ đại – với tên gọi Mật Hoa Dừa SokFarm.
Mô hình đã tạo ra hướng đi mới cho ngành dừa Trà Vinh, giúp tăng được giá trị kinh tế cho nông hộ từ 2 – 3 lần, góp phần cải thiện kế sinh nhai tại địa phương và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp từ bản địa với chất lượng cao.
Mật Dừa Nước Ông Sáu
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cần Giờ, Phan Minh Tiến đã thấy được tiềm năng vô cùng to lớn của cây Dừa Nước. Bằng việc tìm tòi học hỏi, kết hợp với kinh nghiệm nông nghiệp từ người Cha của mình để khai thác thành công những giọt Mật Dừa Nước đầu tiên, thương hiệu “Dừa Nước Ông Sáu” được thành lập.
Nguồn: duanuocongsau.com
Mô hình khai thác và chế biến sản phẩm từ Mật Dừa Nước đã đạt được Giải Nhì trong cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Sáng tạo Thanh niên nông thôn năm 2019 và được công nhận là Sản phẩm Công Nghiệp Nông Thôn Tiêu Biểu của thành phố Hồ Chí Minh năm 2019.
Từ năm 2019, với sứ mệnh nâng tầm giá trị Cây Dừa Nước Việt Nam, công ty của Phan Minh Tiến đã và đang phát triển theo những giá trị bền vững: tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, mang lại sản phẩm có chất lượng cao cho người tiêu dùng và góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên.
Khổng Tước Nguyên – Lưu giữ Mắm Xứ Gò
Gặp Lê Ngọc Thảo tại cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp vừa tổ chức tại TPHCM, cô say sưa kể chuyện làm mắm tôm chà, rồi “rủ rê” khách tham quan thử loại mắm này. Cứ nghĩ cô gái trẻ này “mê mắm” từ trong máu, nhưng Thảo thừa nhận: “Gia đình có hơn 70 năm sống bằng nghề làm mắm nhưng tôi không cho bạn bè biết nhà mình có nghề này. Từ hồi đi học phổ thông chúng bạn gọi là “Thảo Mắm”, tôi ghét cay, ghét đắng cái biệt danh này”.
Nguồn: Khổng Tước Nguyên
Đầu năm 2020, do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến công việc, Thảo về quê đúng lúc gia đình đang bắt tay làm mẻ mắm mới. Bỗng, cái mùi mắm dân dã năm xưa mà cô luôn muốn chối bỏ… dậy hương, như thôi miên cô. Những kỷ niệm về mắm, hình ảnh ngoại tỉ mỉ bên từng mẻ mắm ùa về. “10 năm xa quê và từ chối mắm, giờ tôi muốn trở thành “thế hệ nối tiếp” của một ngành nghề truyền thống. Tôi muốn đưa mắm Xứ Gò lên bản đồ ẩm thực thế giới. Tháng 7/2020, tôi bắt đầu khởi nghiệp với thương hiệu mắm Khổng Tước Nguyên” – Thảo chia sẻ.
Để làm ra được mắm thành phẩm, doanh nghiệp phải sơ chế nguyên liệu, ủ mắm lên men, chà mắm, phơi mắm, kiểm tra/ngửi mắm, đóng lọ bảo quản… Hiện giai đoạn chà thủ công đã được ứng dụng bán công nghệ trong một hệ thống khép kín để giữ cho chất lượng tươi ngon và tránh nhiễm tạp khuẩn nhất có thể.
Thông tin liên hệ:
- 🌏 itifund.com
- 📞 (+84)90 998 3699
- 📩 info@itifund.com
- 🔔 fb.me/ITIFund