Pick up & Drop Off – Nét chấm phá tạo đà phát triển cho Giao Hàng Chặng Cuối
Thứ Năm, 04/01/2024 08:56 (GTM +7)
Thương mại điện tử phát triển bùng nổ cùng với sự khó tính ngày càng tăng của người tiêu dùng tạo nên nhiều thách thức cho các nhà giao nhận vận tải, để có thể đem sản phẩm một cách nhanh chóng và thuận tiện đến tay khách hàng. Trong bối cảnh này, việc hiểu rõ và tận dụng tối đa quá trình giao hàng chặng cuối tại Việt Nam trở nên vô cùng quan trọng với các doanh nghiệp.
Giao hàng chặng cuối (Last Mile Delivery – LMD) đóng vai trò quan trọng qua việc tạo ra cơ hội duy nhất để tạo ấn tượng tích cực với khách hàng, hỗ trợ thu thập dữ liệu quý báu nhằm cải thiện quy trình, tối ưu hóa chi phí. Điều này không chỉ nâng cao hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp mà còn hạn chế rủi ro ảnh hưởng đến trải nghiệm của người tiêu dùng.
1. Giao hàng chặng cuối và bài toán nan giải:
Giao hàng chặng cuối (Last Miles Delivery – LMD) chiếm khoảng 28% tổng chi phí vận chuyển và có thể lên tới 53% trong trường hợp giao hàng theo yêu cầu (on-demand) tại Việt Nam. Điều này đặt ra một thách thức đáng kể trong ngành thương mại điện tử và ảnh hưởng đến trải nghiệm của 97% người mua sắm trực tuyến.
Theo cục Thương mại và Điện tử số, tốc độ phát triển của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam đạt mức đáng kinh ngạc và được dự đoán có thể vượt mặt những nước Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Thailand; với giá trị thị trường đạt khoảng 13 tỷ USD vào 2021, tăng 5 tỷ so với cùng kì năm trước, chiếm hơn 60% tổng giá trị nền kinh tế internet và đứng đầu trong bốn trụ cột quan trọng.
Ảnh 1: Biểu đồ so sánh Gross Merchandise Volume từ 4 phân nhánh khác nhau của kinh tế số năm 2021 (Nguồn: KANTAR 2021)
Tiềm năng thương mại điện tử của Việt Nam được ủng hộ bởi một số yếu tố quan trọng, bao gồm dân số trẻ hiểu biết về công nghệ, mức độ thâm nhập internet cao, sự tăng trưởng thu nhập, và chính sách của chính phủ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số. Theo Ninja Van, trong 5 năm vừa qua, số đơn hàng thương mại điện tử tăng gấp 3 lần, cùng với đó là lượng khách hàng (cả người bán và người mua) cũng tăng trưởng đột biến, dẫn đến việc các đơn vị trong ngành phải thay đổi và mở rộng dịch vụ khác như hậu cần, kho bãi, đóng gói để nâng cao trải nghiệm người dùng. Chính vì thế, giao hàng chặng cuối đóng vai trò quan trọng trong thương mại điện tử, bởi sự tương tác trực tiếp với khách hàng cuối cùng.
2. Những thách thức cần nhanh chóng giải quyết:
Thách thức lớn đầu tiên của giao hàng chặng cuối tại Việt Nam là sự cạnh tranh khốc liệt, khi những “ông lớn” liên tục có động thái đầu tư vào lĩnh vực này. Chẳng hạn như, việc hợp tác chiến lược giữa Grab và Vietjet Air, hay kho hàng tự động hoàn toàn được xây dựng bởi GHN. Các sàn thương mại cũng không bỏ qua miếng bánh khi nỗ lực rút ngắn thời gian giao hàng, như Tiki – hai giờ, Shopee – bốn giờ, Sendo – ba giờ, và Lotte.vn – một giờ.
Thách thức thứ hai chính là hạ tầng vận tải giao thông chưa phát triển. Các con đường hẹp và tắc nghẽn ở thành phố lớn có thể trở thành “cơn ác mộng” khi đe dọa cam kết về thời gian của các công ty dịch vụ. Ngoài ra, tại Việt Nam, phương tiện vận chuyển hiện chưa đa dạng, với khả năng chở hàng hạn chế và chi phí cao.
Ảnh 2: Tình trạng giao thông ùn tắc cùng cơ sở hạ tầng chưa phát triển (Nguồn: Xây dựng số)
Thách thức cuối cùng liên quan đến hành vi của người dùng. Tại Việt Nam, thanh toán ngoại tuyến được ưa chuộng trong mua sắm trực tuyến vì rủi ro gian lận. Khách hàng trả tiền mặt (COD – Cash on Delivery) và sử dụng dịch vụ Open Box, cho phép họ kiểm tra khi nhận và có quyền từ chối nếu sản phẩm không đáp ứng kỳ vọng. Tuy nhiên, có một vấn đề nghiêm trọng với hình thức này: khách hàng từ chối nhận với nhiều nguyên nhân vô lý như “không đủ tiền”, “không thích” hoặc cắt đứt mọi liên hệ. Điều này gây thiệt hại cho cả shipper và công ty giao hàng vì phải chịu chi phí trả hàng và giá trị của các sản phẩm không thể bán lại như thực phẩm. Bên cạnh đó, hạn chế trong việc chọn thời điểm nhận từ phía người dùng cũng góp phần tăng tỷ lệ giao hàng lần đầu không thành công.
3. Đón đầu xu hướng bền vững bằng các ứng dụng công nghệ thông minh:
Tính bền vững được xem là tương lai của giao hàng chặng cuối, với những tín hiệu chuyển biến tích cực trong việc phát triển và áp dụng xu hướng công nghệ tiên tiến cho lĩnh vực này.
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2020, lượng khí thải từ giao thông giao hàng chặng cuối sẽ tăng 32% vào năm 2030. Qua đó, ứng dụng công nghệ như máy bay người lái hoặc chuyển sang các loại năng lượng thân thiện hơn với môi trường dần được ưa chuộng; theo McKinsey, thế giới năm 2022 có hơn 2.000 chuyến giao hàng bằng máy bay không người lái thương mại mỗi ngày. Tại Châu Âu, Amazon có kế hoạch chi 972 triệu USD và tăng đội xe tải điện giao hàng lên tới 10.000 vào năm 2025. Tại Việt Nam, Gojek đã thông báo về việc hợp tác với Dat Bike để sử dụng xe máy điện trong các dịch vụ vận chuyển hành khách và giao hàng trên nền tảng ứng dụng
Ảnh 3: Gojek hợp tác Dat Bike đưa xe máy điện phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa (Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)
Bên cạnh đó, mô hình giao nhận hàng tại điểm (PUDO – Pick-up Drop-off) đang nhận được sự chú ý vì sự ra đời của nhiều start-up mới với tính ứng dụng cao. Tại Việt Nam, doanh nghiệp Santa Pocket cũng đang bắt kịp xu hướng này. Cả người gửi và người nhận có thể dễ dàng sắp xếp thời gian trong quá trình giao/nhận hàng mà không gặp phải những phiền toái trong cuộc sống hàng ngày. Tính bảo mật và lưu trữ an toàn là một ưu điểm quan trọng khác của SantaPocket. Hệ thống camera giám sát hoạt động 24/24 và khóa từ đảm bảo an toàn cho kiện hàng. Điều này đồng nghĩa với việc hạn chế thất lạc hay nhầm lẫn hàng hóa. Ngoài ra, SantaPocket cung cấp một đội ngũ chăm sóc khách hàng 24/7, sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ khi cần.
Ảnh 4: Santa Pocket – giải pháp giao nhận hàng tại điểm thông minh (Nguồn: Santa Pocket)
Ngoài ra, lĩnh vực giao hàng chặng cuối cũng đang sôi nổi bởi một số “deal” đầu tư vào các startup trẻ. Zevo – nền tảng chuỗi cung ứng và kho lạnh tích hợp toàn diện, đã nhận được đầu tư từ Agility Ventures. Theo chia sẻ từ Agility Ventures, cam kết của Zevo đối với việc sử dụng sáng tạo xe điện và giải pháp chuỗi cung ứng từ đầu đến cuối một cách bền vững hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của quỹ về tương lai của ngành logistics.
Ảnh 5: Zevo – nền tảng chuỗi cung ứng và kho lạnh tích hợp hoàn toàn điện, đã nhận được đầu tư từ Agility Ventures (Nguồn: Entrepreneur India 2023)
Việc tập trung phát huy phát triển giá trị ở tất cả các khía cạnh của giao hàng chặng cuối mà tại đó có lợi cho các bên liên quan, sẽ giúp ngành thương mại điện tử ở Việt Nam tiến xa hơn trên con đường phát triển bền vững trong tương lai.
Thông tin liên hệ:
- itifund.com
- (+84)90 998 3699
- info@itifund.com
- fb.me/ITIFund