Một số chính sách hỗ trợ startup tại Việt Nam và thế giới
Thứ Ba, 06/09/2022 09:00 (GTM +7)
Khởi nghiệp là xu thế tất yếu của thế giới, đặt biệt trong bối cảnh đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững đang ngày càng được đề cao. Chính vì thế, tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, chính phủ các nước đã ban hành nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thiết thực.
Trong bài viết này, cùng ITI Fund điểm qua một số chính sách ưu đãi trực tiếp của chính phủ như thuế, trợ cấp tiền mặt,… hoặc gián tiếp thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng, cung cấp kinh phí vận hành vườn ươm khởi nghiệp.
1. Chính sách thuế ưu đãi
Trên thế giới, trong đó có Ấn Độ, startups triển khai hoặc thương mại hóa các sản phẩm đổi mới sáng tạo và tài sản trí tuệ sẽ được giảm trừ 100% lợi nhuận từ kinh doanh trong năm tính thuế. Doanh nghiệp khởi nghiệp ở Trung Quốc có thu nhập hàng năm không quá 200 nghìn nhân dân tệ cũng được áp dụng thuế suất thu nhập với ưu đãi 20%, thấp hơn mức thuế suất thông thường (25%).
Tại Đông Nam Á, chính phủ Thái Lan đã ban hành Nghị định số 603 cho phép miễn giảm thuế thu nhập với các SMEs đổi mới công nghệ và thỏa mãn một số điều kiện cụ thể khác. Ngoài ra, nhằm khuyến khích các startups chuyển đổi số, chính phủ Malaysia còn miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 5 năm hoặc khấu trừ thuế 60% tổng chi phí vốn đạt tiêu chuẩn.
Vậy Việt Nam thì sao?
Nhà nước ta tùy từng thời điểm sẽ đưa ra các ưu đãi với mục tiêu khác nhau như thu hút vốn bên ngoài, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực ưu tiên, tạo cơ hội việc làm, gia tăng sản phẩm nội địa, thúc đẩy xuất khẩu, hoặc phát triển khoa học và công nghệ,.. Một số chính sách tiêu biểu có thể kể đến như:
Ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
Hiện thuế thu nhập doanh nghiệp là sắc thuế trực tiếp đánh vào tài chính của startups nên sự hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu là sắc thuế này.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 13 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014), doanh nghiệp khởi nghiệp có thể được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm tiêu biểu với các lĩnh vực:
- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
- Ứng dụng công nghệ cao, xây dựng, kinh doanh cơ sở ươm tạo, đầu tư mạo hiểm cho phát triển thuộc danh mục ưu tiên theo quy định của Luật Công nghệ cao;
- Sản xuất sản phẩm phần mềm.
Ưu đãi về miễn, giảm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp
Bên cạnh đó, nếu thu nhập được xếp vào các lĩnh vực nêu trên, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo theo khoản 1 Điều 14 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014).
Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 18 Luật Hỗ trợ DNNVV 2017, Nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được miễn, giảm thuế thu nhập có thời hạn từ khoản đầu tư vào startups theo quy định. Tuy nhiên hiện nay, pháp luật vẫn chưa cụ thể hóa điều này nên lợi ích thực tế vẫn còn hạn chế.
Với chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, mặc dù trong ngắn hạn sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách, nhưng về dài hạn sẽ giúp các startups nâng cao năng lực tích lũy và cạnh tranh qua đó thúc đẩy kinh tế phát triển và tạo ra “hiệu ứng lan tỏa” khác cho nền kinh tế.
2. Trợ cấp tiền mặt và chi phí liên quan
Các nước EU đã thực hiện khá thành công những hỗ trợ vốn cho các startups giai đoạn đầu. Ví dụ tại Đức, chính sách này đã thực thi từ giữa những năm 2006 nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và giúp người thất nghiệp tham gia thị trường lao động thông qua việc tự kinh doanh.
Tại châu Á, ví dụ Đài Loan, chính quyền đã cung cấp nhiều ưu đãi cho việc thành lập công ty hoặc chi nhánh mới với khoản tài trợ lên đến 100 triệu TWD, hay Singapore có nhiều trợ cấp tiền mặt khuyến khích startups tiếp cận nguồn vốn dễ dàng và thuận lợi hơn trong hoạt động.
Chính phủ Việt Nam mới đây đã ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, theo Điều 22 của Nghị định, doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo sẽ được hỗ trợ nhiều chi phí, lệ phí…, ví dụ như:
- Hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 20 triệu đồng/năm/doanh nghiệp
- Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê mặt bằng tại các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 5 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 năm kể từ ngày doanh nghiệp ký hợp đồng thuê mặt bằng.
- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp
- Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn xác lập chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
- Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thử nghiệm sản phẩm mới tại các đơn vị, tổ chức thử nghiệm sản phẩm hàng hóa nhưng không quá 30 triệu đồng/năm/doanh nghiệp
- Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/ năm/doanh nghiệp” – Nghị định nêu rõ.
- Ngoài ra, hỗ trợ tối đa 50% chi phí tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu trong nước cho học viên của doanh nghiệp về xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm… nhưng không quá 5 triệu đồng/học viên/năm và không quá 3 học viên/doanh nghiệp/năm…
3. Quỹ hỗ trợ tài chính
Trên thế giới, một số quỹ hỗ trợ tài chính nổi bật có thể kể đến:
- Mỹ: Quỹ Đổi mới Giai đoạn Đầu (ESIF) của Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA) với khoản vốn khởi nghiệp bổ sung lên tới 1 tỷ USD trong vòng 5 năm.
- Trung Quốc: Quỹ đổi mới (Innofund) với mục tiêu chuyên cung cấp các khoản tài trợ (150-250 nghìn USD), trợ cấp lãi suất cho vay và đầu tư cổ phiếu.
- Singapore: Quỹ mạo hiểm giai đoạn đầu (ESVF) hỗ trợ tài chính cho các startups công nghệ với tổng vốn tối đa được nhận là 3 triệu SGD.
- Ấn Độ: Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trên phạm vi toàn quốc, bao gồm quỹ 100 tỷ Rupi đầu tư vào các startups trong khoảng thời gian 4 năm.
Tại Việt Nam, tiêu biểu có Quỹ Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh quản lý và được điều hành bởi Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp. Mục đích chính là khuyến khích tinh thần kinh doanh cho những người trẻ, với tổng nguồn vốn 100 tỷ đồng.
4. Phát triển chương trình vay vốn
Các quốc gia EU có chính sách khoản vay khá đặc biệt, giúp giải quyết các rào cản thị trường để startups tiếp cận nguồn vốn lớn với chi phí rẻ hơn; qua việc bảo lãnh các doanh nghiệp khởi nghiệp để họ vay vốn dễ dàng hơn tại ngân hàng; gồm ba mô hình chính:
- Chương trình đảm bảo công
- Chương trình đảm bảo công – tư
- Chương trình tư nhân
Tại Malaysia, mỗi bộ, ngành đều có những chương trình vay vốn riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thuộc quản lý của bộ, ngành đó, chẳng hạn như:
- Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế (MITI) đưa ra Chương trình phát triển công nghiệp Malaysia Berhad (MIDF) cho ngành dịch vụ
- Bộ Tài chính phối hợp với Tổng công ty Phát triển Công nghệ Malaysia (MTDC) cho ra đời Quỹ Khởi nghiệp kinh doanh (Business Startup) nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các doanh nhân công nghệ và các DNKN.
Còn nước ta, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 897/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 – 2030 với nhiều nội dung như tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nền tảng cho nhà sáng lập, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; kênh phân phối và tiêu thụ sản phẩm,…
Đáng chú ý tại Quyết định này, Chính phủ còn giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, hỗ trợ tài chính thông qua những chương trình, chính sách ưu đãi; xây dựng các sàn giao dịch ý tưởng nhằm kết nối thanh niên với các quỹ đầu tư.
Tóm lại, nguồn vốn kinh doanh là huyết mạch của các doanh nghiệp; đối với startups lại càng quan trọng hơn; vì thế, việc tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước sẽ giúp công ty tối ưu chi phí và phát triển hơn.
Thông tin liên hệ:
- 🌏 itifund.com
- 📞 (+84)90 998 3699
- 📩 info@itifund.com
- 🔔 fb.me/ITIFund